Tìm hiểu : Spec trong xây dựng nghĩa là gì?
Trong ngành xây dựng luôn có những thuật ngữ đặc thù mà thậm chí ngay cả những người làm trong ngành cũng chưa nắm rõ. Để thuận tiện trong công việc thì cần phải nắm rõ những thuật ngữ chuyên ngành này. Spec là một trong những thuật ngữ quan trọng trong ngành xây dựng. Dưới đây là những tìm hiểu về Spec trong xây dựng.
Spec là gì?
Spec là một thuật ngữ khá mới đối với bạn sinh viên hay những kỹ sư mới đi làm. Những ai chưa nghe đến Spec rất khó đoán được Spec nghĩa là gì hoặc có rất nhiều người nghĩ rằng “ Spec” là viết tắt các chữ cái đầu của một cụm từ trong tiếng Anh.
Tuy nhiên, Spec viết đầy đủ là Specification có nghĩa là chỉ dẫn kỹ thuật (Technical Specification). Để dễ nhớ và ngắn gọn hơn thì cụm từ này được viết tắt là Spec.
Spec thể hiện rõ quy định về các loại vật liệu trong tất cả các hạng mục của dự án kèm với các tiêu chuẩn nghiệm thu đi kèm. Chính vì vậy, mỗi một dự án tùy theo quy mô khác nhau sẽ có một bảng Spec đi kèm để phù hợp với dự án đó.
Vai trò của Spec
Mặc dù hiểu Spec là gì nhưng nếu không nắm rõ vai trò của nó thì việc sử dụng trong công việc sẽ gặp khó khăn.
Vai trò của Spec là vô cùng quan trọng đối với một dự án chuẩn bị khởi công. Nhà thầu sẽ căn cứ vào bảng Spec để báo giá cho chủ đầu tư và có thể nhìn vào đây để đánh giá tổng thể dự án cũng như các hạng mục cần chuẩn bị.
Hơn thế nữa, Spec là căn cứ để nghiệm thu vật liệu đầu vào trong quá trình thi công, nhằm tránh những thất thoát, mất mát về vật tư xây dựng dẫn đến những thiếu hụt khi triển khai xây dựng. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Khi công trình hoàn thành, lại một lần nữa nhìn vào bảng Spec để nghiệm thu các công việc xây dựng và nghiệm thu hoàn thành dự án, xem đã đảm bảo chất lượng từng hạng mục công trình hay chưa.
Quy định về chỉ dẫn kỹ thuật trong xây dựng
Spec hay chỉ dẫn kỹ thuật trong xây dựng được xem là cơ sở để thực hiện giám sát thi công, thi công và nghiệm thu công trình xây dựng. Vì thế, chỉ dẫn kỹ thuật trong xây dựng được phê duyệt là một thành phần của hồ sơ mời thầu thi công xây dựng, làm cơ sở để quản lý thi công xây dựng, giám sát thi công xây dựng và nghiệm thu công trình.
Trong xây dựng, chỉ dẫn kỹ thuật phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu của thiết kế xây dựng công trình và tiêu chuẩn áp dụng cho công trình xây dựng được phê duyệt.
Ngoài ra, đối với những công trình cấp đặc biệt, cấp I và cấp II bắt buộc phải thực hiện lập chỉ dẫn kỹ thuật xây dựng. Đối với các công trình di tích hoặc các công trình còn lại có thể được lập riêng hoặc quy định trong thuyết minh thiết kế xây dựng công trình, không nhất thiết phải thực hiện lập chỉ dẫn kỹ thuật trong xây dựng như trường hợp trên.
Spec do bên nào lập?
Trong một dự án công trình xây dựng, Spec là điều không thể thiếu như vậy nhưng bên nào là bên chịu trách nhiệm thực hiện lập Spec? Đây cũng là một câu hỏi được rất nhiều các anh em quan tâm.
Đối với các dự án trong nước, đơn vị thiết kế có trách nhiệm đưa ra chỉ dẫn kỹ thuật ( Spec) cùng với bản vẽ thi công. Còn đối với các dự án có vốn đầu tư của tư nhân hoặc nước ngoài thì Spec sẽ được đơn vị thi công đưa ra cùng với bản vẽ Shopdrawing để phục vụ cho công tác báo giá và ký hợp đồng.
Trên đây là những thông tin cần thiết về thuật ngữ Spec trong xây dựng. Hy vọng những thông tin này đã giúp anh em hiểu và sử dụng thành công thuật ngữ này trong quá trình làm việc. Chúc anh em thành công!