Mác bê tông là gì và cách xác định mác bê tông
Bê tông là 1 loại đá nhân tạo được hình thành qua quá trình nghiền, trộn với các thành phần như: cốt liệu thô, cốt liệu mịn, chất kết dính theo 1 tỷ lệ nhất định. Bê tông sau khi ninh kết sẽ có khả năng chịu nén nhất định gọi là mác bê tông. Vậy mác bê tông là gì và cách xác định ra sao? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mác bê tông là gì?
1. Khái niệm.
Mác bê tông là gì? Đây là 1 ký hiệu bê tông theo tiêu chuẩn Việt Nam được dịch lại từ tiêu chuẩn Liên Xô và được sử dụng cho tới ngày nay. Tiêu chuẩn này biểu thị cường độ chịu nén của mẫu bê tông hình lập phương với kích thước 15x15x15cm được bảo dưỡng trong điều kiện tiêu chuẩn trong vòng 28 ngày. ( Đơn vị kg/cm2 )
2. Phân loại mác bê tông.
Mác bê tông được phân thành nhiều loại với nhiều cường độ chịu nén khác nhau tương ứng: 100, 150, 200, 250, 300, 400, 500 và 600. Điều này có nghĩa rằng nếu mác của 1 loại bê tông là 200 thì có nghĩa là ứng suất nén phá hủy của mẫu bê tông hình lập phương điều dưỡng trong điều kiện tiêu chuẩn trong 28 ngày là 200 kG/cm².
Khi xây dựng, bê tông sẽ chịu nhiều tác động khác nhau: nén, uốn, kéo, trượt trong đó chủ yếu là chịu nén. Chính vì thế mà khi đánh giá chất lượng của bê tông người ta sẽ kiểm tra độ nén của nó, hay còn gọi là mác bê tông.
Mác của bê tông được xác định bằng cách tạo 1 khối bê tông hình hộp với kích thước 150 mm × 150 mm × 150 mm, dưỡng trong điều kiện tiêu chuẩn theo quy định TCVN 3105:1993 trng 28 ngày sau khi bê tông đã ninh kết. Sau đó, đưa khối bê tông đó vào máy nén để do ứng suất nèn phá hủy để xác định độ nén của bê tông. Đơn vị này được tính bằng MPa (N/mm²) hoặc daN/cm² (kg/cm²). Ngày nay, chúng ta đã có thể chế tạo bê tông có mác cao từ 1000- 2000 kg/cm2.
Cách xác định mác bê tông
Để xác định được mác của bê tông trong thực tế, chúng ta cần lấy 1 tổ mẫu tại hiện trường. Tổ mẫu này cần phải là 3 mẫu bê tông giống nhau về vị trí, cách thức lấy mẫu và điều kiện dưỡng hộ. Đối với các công trình lớn, các tổ mẫu cần phải được lấy từ những vị trí khác nhau và số lượng đủ lớn để có thể đại diện cho toàn bộ kết cấu.
Mác của bê tồn sẽ được tính bằng giá trị trung bình của ứng suất nén tại thời điểm phá hủy của các mẫu trong tổ mẫu (sau khi được dường 28 ngày). Nếu tiến hành xác định trước thời gian 28 ngày ( thông thường là 3- 7 ngày) thì mác bê tông sẽ được xác định qua biểu đồ phát triển cường độ bê tông chuẩn tương ứng.
Quy định về lấy mẫu bê tông
Để có kết quả kiểm tra mác bê tông chính xác, đầu tiên chúng ta cần lấy mẫu bê tông phù hợp. Theo TCVN 4453: 1995 thì khi lấy mẫu bê tông, anh em cần làm theo những quy định sau:
- Bê tông thường phẩm: mỗi 1 mẻ vận chuyển từ 6- 10m3 sẽ lấy 1 tổ mẫu, tại hiện trường công trình trước khi đổ bê tông vào khuôn.
- Bê tông đúc kết cấu đơn chiếc, có khối lượng nhỏ hơn 20m3 thì chỉ cần lấy 1 tổ mẫu.
- Bê tông kết cấu khung và kết cấu mỏng: cứ 20m3 cần lấy 1 tổ mẫu.
- Bê tông móng có khối lượng khoang đổ hơn 50m3 thì cứ 50m3 lấy 1 tổ mẫu.
- Các móng bê tông lớn: cứ 100m3 lấy 1 tố mẫu, nhưng số tổ mẫu không ít hơn 1 cho 1 móng.
- Bê tông nền, mặt đường,… thì cứ mỗi 200m3 thì lấy 1 tổ mẫu.
- Bê tông khối lớn: Khối lượng ≤ 1000 m³ thì cứ 250 m³ bê tông phải lấy một tổ mẫu; còn nếu >1000m3 thì cứ 500m3 lấy 1 tổ mẫu.
Trên đây là những chia sẻ về mác bê tông là gì, cách xác định mác bê tông và những quy định khi lấy tổ mẫu. Hy vọng những thông tin trên đã giải đáp được những thắc mắc của bạn đọc về vấn để này. Để tìm hiểu thêm về các vấn đề xây dựng, hãy truy cập trang web của chúng tôi: tintucxaydung.com mỗi ngày nhé.