Hướng dẫn kỹ thuật trát vữa tường và trần chi tiết nhất

Trát tường và trần nhà là công tác hoàn thiện trong thi công xây dựng. Trát tường và trần nhà cần đảm bảo những yêu cầu kỹ thuật nhất định để đảm bảo không bị nứt vỡ, tạo ra bề mặt phẳng, chắc chắn. Vậy đó là các kỹ thuật gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.

Các yêu cầu phải đảm bảo trước khi trát

  • Việc trát tường và trần nên thực hiện sau khi đã lắp đặt xong các hệ thống mạng, dây ngầm như dây điện, điện thoại, internet, hệ thống nước sinh hoạt… 
  • Bề mặt nền trát cần được làm sạch, cọ rửa bụi bẩn, tẩy sạch các vệt bám dính như dầu mỡ…
  • Trước khi trát, cần chèn kín các lỗ hở lớn, xử lý cho phẳng bề mặt nền trát.
  • Ở những vị trí tiếp giáp giữa hai kết cấu bằng vật liệu khác nhau, trước khi trát phải được gắn một lớp lưới thép phủ kín chiều dầy mạch ghép và phải trùm về hai bên ít nhất một đoạn từ 15 cm đến 20 cm. Kích thước của ô lưới thép không lớn hơn 3 cm.
  • Chọn vữa trát phù hợp với mục đích sử dụng của công trình, thích hợp với nền trát và các bước trang trí, hoàn thiện tiếp theo. Vật liệu dùng để pha trộn vữa phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo tiêu chuẩn hiện hành.

Tiến hành trát tường và trần

TRỘN VỮA

  • Vữa vôi: Trộn vôi với nước cho thật nhuyễn rồi mới trộn với cát.
  • Vữa xi măng: Trộn khô xi măng với cát rồi mới đổ nước nào.
  • Vữa tam hợp: Trộn khô cát và xi măng rồi thêm vôi nước nhuyễn.
  • Sàng cát qua lưới để lọc rác bẩn lẫn trong cát trong quá trình vận chuyển, tránh sau này bề mặt tường bị vết.
  • Đong vật liệu để trộn vữa được đúng mác vữa, thường vữa trát có mác 75.
  • Trộn khô cấp phối nhiều lần cho đều cốt liệu, sau đó trộn nước vừa tỉ lệ để được lượng vữa trát cần thiết.

TẠO MỐC VỮA

Dùng đinh, mạch gỗ hoặc cột vữa để đánh dấu mốc vữa trát, tránh trường hợp sau khi trát bị chỗ dày chỗ mỏng.
Các cột vữa có bề rộng 8 – 12cm cách nhau 1,5-2cm, chiều cao cột vữa đúng bằng chiều dày lớp vữa hoàn thiện.

QUY TRÌNH TRÁT

  • Trát từ trên xuống dưới
  • “Vã” vữa thành nhiều lớp trước, sau đó đợi khô mới vào tiếp lớp hoàn thiện sau.
  • Vào vữa thì bằng bay, sau đó lấy bàn xoa để xoa lớp hoàn thiện
  • Dùng thước tầm để gạt cán bề mặt từ dưới lên trên
  • Bù vữa vào những vị trí lõm và tiếp tục cán
  • Đợi vữa xe lại thì dùng bàn xoa để xoa tạo độ phẳng bề mặt.
    * Trong quá trình trát phải liên tục rọi đèn để kiểm tra độ phẳng bề mặt trát.

Kiểm tra và nghiệm thu

  • Mặt trát phải phẳng (không được gồ ghề, lồi lõm) cả theo chiều đứng và chiều ngang. Kiểm tra mặt phẳng dùng thước tầm dài 2 m (xem kẽ hở giữa thước và mặt trát) hoặc dùng đèn neong áp sát tường.
  • Các cạnh phải ngang bằng, thẳng đứng. Các góc phải vuông và cân đều.
  • Đảm bảo đủ các chi tiết cấu tạo của vữa.
  • Lớp vữa trát phải dính chắc với kết cấu, không bị bong rộp hay bị bung. Những chỗ không bám dính, bị bung ra phải trát lại.

Các yêu cầu kỹ thuật khi thực hiện trát tường

  • Cần phun nước làm ẩm nền trát trước khi trát nếu nền trát bị khô;
  • Trát trần, dầm trước rồi tới tường, cột sau;
  • Trát theo bề dày của mốc đánh dấu. Nên trát thử vài chổ để kiểm tra độ dính kết cấu. Nếu trát quá dày sẽ bị phồng, dột. Khi ngừng trát phải tạo mạch ngừng hình gãy không để thẳng, cắt lớp vữa trát thẳng góc.
  • Chiều dày lớp trát trần nên từ 10 mm đến 12 mm, nếu trát dày hơn phải có biện pháp chống lở bằng cách trát trên lưới thép hoặc trát thành nhiều lớp mỏng.
  • Chiều dày khi trát tường theo phương pháp trát phẳng thông thường không nên vượt quá 12 mm, khi trát với yêu cầu chất lượng cao không quá 15 mm và khi trát với yêu cầu chất lượng trát đặc biệt cao không quá 20 mm.
  • Lớp vữa trát phải bám chắc vào bề mặt các kết cấu công trình, loại vữa và chiều dày lớp vữa trát phải đúng yêu cầu thiết kế, bề mặt lớp vữa phải nhẵn phẳng, các đường gờ cạnh chỉ phải ngang bằng hay thẳng đứng;
  • Khu vệ sinh, phòng tắm, nhà bếp khi trát phải dùng vữa xi măng cát có mác lớn hơn hoặcbằng M7,5 hoặc vữa có khả năng chống thấm để tăng cường khả năng chống thấm và tăng độ bám dính giữa các lớp trát do những khu vực này thường xuyên ẩm ướt;
  • Nếu thời tiết nắng nóng hoặc hanh khô, sau khi trát 24h nên tiến hành phun ẩm để bảo dưỡng và phòng tránh hiện tượng rạn nứt trên mặt trát.
  • Khi trát các lớp trát đặc biệt trên bề mặt kết cấu như trát sần, trát lộ sỏi, trát mài, trát rửa, trát băm (trát trang trí), chiều dày lớp trát lót tạo phẳng mặt không được vượt quá 12 mm, chiều dày của lớp trát hoàn thiện bề mặt không được nhỏ hơn 5 mm. Lớp trát mặt ngoài có 5 cách xử lý tạo bề mặt để tạo thành 5 loại trát trang trí khác nhau là:
  • Trát sần (trát gai);
  • Trát lộ sỏi;
  • Trát đá mài;
  • Trát đá rửa; 
  • Trát đá băm.
  • Khi trát xong thì cần phải che đậy cẩn thận tránh tác động của thời tiết, tác động bên ngoài làm hỏng lớp trát. 

Các bạn có thể tham khảo những nội dung hướng dẫn về kỹ thuật trát vữa tường và trần trong bài viết này để áp dụng cho việc trát vữa trong công trình xây dựng của mình nhé.

Đánh giá bài viết