Các loại móng nhà cấp 4 thông dụng ở Việt Nam

Nhà cấp 4 là mẫu nhà khá quen thuộc với người dân Việt Nam. Thế nhưng, không phải ai cũng có được những kiến thức cần thiết về móng nhà cấp 4 để xây cho mình 1 căn nhà an toàn và kiên cố. Đó chính là lý do, bạn không thể bỏ qua những kiến thức hữu ích về các loại móng nhà cấp 4 thông dụng được chia sẻ trong bài viết dưới đây.

Móng nhà cấp 4 phân chia theo cấu trúc móng

móng nhà

Móng đơn

Đây là loại móng được sử dụng khá nhiều trong xây dựng nhà cấp 4, nhà tạm, cột trụ của cầu… trên các nền đất ổn định và có độ cứng tương đối. Về hình dáng và kích thước, móng đơn có nhiều loại như hình tròn, hình vuông, hình chữ nhật. Tùy vào quy mô công trình mà hình dáng, kích thước móng đơn sẽ khác nhau.

Ưu điểm của loại móng này đó là kết cấu đơn giản với trụ cột và đế cột. Vì thế, chi phí thi công móng đơn khá tiết kiệm so với các loại móng nhà cấp 4 khác. Tuy nhiên, chúng lại khá kén công trình nên khi thi công các kỹ sư sẽ nghiên cứu kỹ điều kiện trước khi quyết định có thi công được móng đơn hay không.

Móng cọc

Móng cọc là loại móng đang được sử dụng phổ biến cho các công trình được xây dựng trên nền đất yếu. Móng có 2 bộ phận dễ nhận biết: Đài móng và cọc. Chúng có nhiệm vụ trung gian truyền tải trọng lực từ công trình phía trên xuống các lớp đất dưới của móng.

Trước khi thi công, cần gia cố móng, biện pháp gia cố hiệu quả được ứng dụng rộng rãi là gia cố bằng đóng cừ tràm. Khi kết hợp với móng cọc thì nền móng được gia cố bằng cừ tràm được phát huy hết tác dụng chịu tải của nó. Nhìn chung, công nghệ thi công đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, quy trình kiểm tra chất lượng tương đối phức tạp.

Móng bè

Móng bè hay còn gọi là móng nền, đảm nhiệm chức năng tải trọng của công trình vào nền đất, giúp công trình chịu được sức ép của các khối vật chất nằm ở bên trên cũng như đảm bảo sự chắc chắn an toàn cho toàn bộ công trình.

Thi công móng bè được xem là giải pháp lý tưởng cho những công trình với thiết kế có tầng hầm, bể vệ sinh, bồn chứa, kho hay hồ bơi. Đặc biệt thích hợp cho các công trình nhỏ như nhà cấp 4, nhà từ 1 tầng, 2 tầng đến 3 tầng vì nó có chi phí thấp và thời gian thi công nhanh chóng.
Tuy nhiên, bạn chỉ nên xây ở những khu vực có mật độ xây dựng thấp, ít chịu tác động 2 chiều khi gần các công trình lân cận. Bởi, móng bè rất dễ bị lún không được đều, lún bị lệch do lớp địa chất bên dưới có thể bị thay đổi tại các vị trí lỗ khoan, lúc này sẽ xuất hiện vết nứt và công trình bị giảm tuổi thọ.

Móng băng

Móng băng là loại móng có kết cấu một dải dài, có thể độc lập hay giao nhau theo hình chữ thập, được sử dụng để đỡ toàn bộ kết cấu của tòa nhà. Hiện nay, loại móng này thường xuyên sử dụng dành cho các ngôi nhà phố hay nhà cao tầng. Còn đối với nhà cấp 4 thì không hay sử dụng loại móng này lắm.

Phân loại móng nhà cấp 4 theo độ sâu

Móng sâu

Móng sâu là móng được hạ xuống nền và có thể lấy đất từ móng lên. Móng được làm trên 1 lớp cọc hoặc cừ như móng đơn cừ tràm. Loại móng này thực hiện việc truyền tải trọng từ nhà bằng hệ thống cột, dầm, tường, đà kiềng để truyền xuống cọc hoặc cừ giúp phân tán lực.

Móng nông

Móng nông được xây dựng trong hố lộ thiên sau đó lấp đất lại. Chúng được sử dụng đối với công trình quy mô vừa và nhỏ (thường ≤ 5 tầng) và được sử dụng khá phổ biến tại nước ta, đặc biệt đối với nhà cấp 4.

Chiều sâu chôn móng phổ biến từ 0.5m đến 3m. Chiều sâu chôn móng càng lớn, khả năng chịu tải của đất nền càng cao nhưng cần chú ý đến các lớp đất yếu (bùn hoặc đất loại sét có trạng thái dẻo chảy, chảy) phân bố dưới nó. Nếu chiều sâu chôn móng quá lớn (chi phí đào đắp cao, ảnh hưởng đến các công trình lân cận khi thi công) thì cần xem xét đến giải pháp khác như cọc tre, cừ tràm (nếu có nước dưới đất) hoặc giải pháp ép cọc.

Trên đây, chúng tôi đã chia sẻ với các bạn kiến thức cơ bản về móng nhà cấp 4. Hy vọng với những kiến thức này, các bạn sẽ lựa chọn cho mình được loại móng phù hợp nhất, để mang đến sự vững chãi cho công trình.

Đánh giá bài viết