Dung sai là gì? Các loại dung sai phổ biến

Đối với những người không có sự am hiểu về xây dựng thì chắc hẳn sẽ rất thắc mắc khi nhắc tới dung sai. Vậy dung sai là gì? Có những loại dung sai nào? Sai lệch giới hạn là gì? Để giải đáp cho những băn khoăn này, bạn đọc hãy cùng tìm hiểu với Tintucxaydung trong bài viết dưới đây.

Dung sai là gì?

Dung sai là phạm vi sai số cho phép tùy thuộc vào giá trị từng sản phẩm. Trị số dung sai được tính bằng hiệu số giữa kích thước giới hạn lớn nhất với kích thước giới hạn nhỏ nhất. Hay có thể nói một cách dễ hiểu đó là bằng hiệu số giữa sai lệch giới hạn trên và sai lệch giới hạn dưới.

T (Tolerance) là ký hiệu của dung sai, ta có các công thức tính dung sai như sau:

  • Dung sai kích thước trục: Td= dmax – dmin hay Td= es – ei
  • Dung sai kích thước lỗ: TD= Dmax – Dmin hoặc TD= ES – EI

Trong đó:

  • Dmax, dmax là kích thước giới hạn lớn nhất của lỗ và trục.
  • Dmin, dmin là kích thước giới hạn nhỏ nhất của lỗ và trục.
  • Es, es, EI, ei lần lượt là sai lệch giới hạn trên của của lỗ (trục) và sai lệch giới hạn dưới của lỗ (trục).

Trong công thức tính này dung sai luôn có giá trị dương. Trị số dung sai càng nhỏ thì sai số của sản phẩm càng thấp, đòi hỏi độ chính xác cao khi chế tạo kích thước, đồng thời độ ăn khít sẽ cao hơn. Ngược lại nếu trị số dung sai càng lớn thì đòi hỏi độ chính xác khi chế tạo sản phẩm cũng thấp. Từ đó, chúng ta có thể hiểu dung sai là đặc trưng cho độ chính xác trong thiết kế sản phẩm.

Tuy nhiên, trên thực tế thì bản vẽ chi tiết chỉ được người thiết kế ghi kích thước thực của sản phẩm và liền sau đó là những sai lệch giới hạn (cụ thể là sai lệch giới hạn trên ghi ở trên, sai lệch giới hạn dưới ghi ở dưới)

Đối với gia công kết cấu thép, gia công cơ khí bằng sắt, thép người thợ phải tính được các kích thước giới hạn chi tiết, để từ đó đối chiếu với kích thước thực tế của chi tiết gia công và đánh giá xem chi tiết này đã đạt yêu cầu hay chưa.

Các loại dung sai phổ biến

Có hai loại dung sai phổ biến đó là dung sai lắp ghép và dung sai kích thước. Cụ thể:

Dung sai lắp ghép

Dung sai lắp ghép gồm hai hay nhiều chi tiết phối hợp với nhau một cách cố định như đai ốc vặn vào bu lông hay phối hợp một cách di động như pít tông trong xi lanh. Những bề mặt dựa theo chúng các chi tiết phối hợp với nhau gọi là bề mặt lắp ghép. Bề mặt lắp ghép thường là bề mặt bao bên ngoài hoặc bề mặt bị bao bên trong. Dung sai lắp ghép có 2 loại chính là: dung sai lắp ghép then, dung sai lắp ghép then hoa.

Dung sai lắp ghép then

Dung sai lắp ghép then được sử dụng phổ biến để cố định các chi tiết trên trục như bánh răng, bánh đai, tay quay…. và thực hiện chức năng truyền mômen xoắn hoặc điều hướng chính xác khi các chi tiết di chuyển trượt theo trục dọc. Then các loại như: then bằng, then bán nguyệt.

Dung sai kích thước và dung sai lắp ghép của then bằng và then bán nguyệt được quy định theo tiêu chuẩn TCVN4216 ÷ 4218-86.

Dung sai lắp ghép then hoa

Qua thực tế thì khi cần truyền mômen xoắn lớn và yêu cầu độ chính các định tâm cao giữa trực với bạc thì mối ghép then không đáp ứng được mà người ta phải sử dụng mối ghép then hoa. Đối với mối ghép then hoa có rất nhiều loại như: then hoa dạng răng cưa chữ nhật, then hoa dạng răng hình thang, dạng răng hình tam giác, dạng răng thân khai.

Dung sai kích thước

Việc lắp ghép then hoa chỉ thực hiện theo 2 trong 3 yếu tố kích thước d, D và b.

  • Lúc thực hiện đồng tâm theo D thì lắp ghép theo D và b.
  • Lúc thực hiện đồng tâm theo d thì bạn lắp ghép theo d và b
  • Còn đối với lúc thực hiện đồng tâm theo b thì chỉ cần lắp ghép theo b.

TCVN2324 – 78 quy định dãy miền dung sai của những kích thước lắp ghép. Còn đối với sai lệch giới hạn ứng với miền dung sai được quy định theo TCVN2245 – 99. Những miền dung sai được đóng khung là những miền dung sai được ưu tiên sử dụng.

Một số khái niệm liên quan đến dung sai

Nếu bạn chưa biết tới những khái niệm liên quan tới dung sai thì hãy tìm hiểu cùng chúng tôi nhé.

Kích thước danh nghĩa

  • Là kích thước được xác định bằng các tính toán dựa trên cơ sở chức năng của chi tiết, sau đó làm tròn (về phía to hơn) theo những giá trị của dãy kích thước thẳng danh nghĩa tiêu chuẩn.
  • Kích thước danh nghĩa được ghi trên bản vẽ làm gốc để tính những sai lệch kích thước.
  • Kích thước là giá trị bằng số của đại lượng đo chiều dài đơn vị đo được lựa chọn.

Kích thước thực

Được hiểu là kích thước nhận được từ kết quả đo trên chi tiết gia công với sai số cho phép.

Kích thước giới hạn

Để giới hạn phạm vi cho phép của sai số chế tạo kích thước, người ta quy định 2 kích thước giới đó là

Kích thước giới hạn lớn nhất là kích thước lớn nhất cho phép khi chế tạo chi tiết. Ký hiệu: Dmax là giới hạn lớn nhất của lỗ, dmax là giới hạn lớn nhất của trục

Kích thước giới hạn nhỏ nhất là kích thước nhỏ nhất cho phép khi chế tạo chi tiết. Ký hiệu đối với lỗ là Dmin, đối với lỗ là dmin.

Điều kiện để kích thước chi tiết đạt yêu cầu là:

  • dmin < dt < dmax
  • Dmin < Dt < Dmax

Sai lệch giới hạn

Là sai lệch của các kích thước giới hạn so với kích thước danh nghĩa. Sai lệch giới hạn gồm sai lệch giới hạn trên (ký hiệu Es, es) và sai lệch giới hạn dưới (ký hiệu EI,ei).

Chi tiết trục: es= dmax – dN; ei= dmin – dN

Chi tiết lỗ: ES= Dmax – DN; EI= Dmin – DN

Trên đây là toàn bộ nội dung có liên quan đến dung sai. Hy vọng Tintucxaydung đã trả lời được cho bạn đọc câu hỏi dung sai là gì và những thông tin có liên quan. Chân thành cảm ơn bạn đã theo dõi hết bài viết của chúng tôi! Tiếp tục đồng hành cùng Tintucxaydung trong những thông tin tiếp theo.

Đánh giá bài viết